Chuẩn bị chu đáo
Sáng qua 14.3, có mặt tại lăng Bà Thu Bồn thuộc thôn Thu Bồn Đông xã Duy Tân, chúng tôi thấy việc nâng cấp, xây mới một số hạng mục ở Di tích lịch sử văn hóa này đang được đơn vị thi công là Công ty TNHH Nhật Linh khẩn trương thực hiện. Ông Nguyễn Công Trường, cán bộ văn hóa - xã hội xã Duy Tân cho hay, lăng Bà Thu Bồn được xây dựng đã khá lâu, đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng. Để đảm bảo cho việc tổ chức lễ hội, bảo tồn giá trị di tích, từ nhiều nguồn vốn huy động, địa phương chi gần 2 tỷ đồng tu sửa mái đình, sân nền, tường rào cổng ngõ, hệ thống điện, đường giao thông xung quanh khu vực lăng... Cùng với đó, nhân dân địa phương cũng ra quân dọn vệ sinh môi trường tại khu vực lăng bà, dọc tuyến đường chính gắn với việc treo băng rôn, khẩu hiệu, pano tuyên truyền lễ hội. Các dụng cụ phục vụ, trang trí kiệu rước, trang phục được rà soát, kiểm tra kỹ lưỡng.
Lễ rước sắc phong tại lễ hội Bà Thu Bồn. Ảnh: T.P |
Được biết, để phục vụ Lễ hội Bà Thu Bồn, UBND xã Duy Tân đã thành lập 16 tiểu ban phục vụ lễ hội, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của các tiểu ban. Đồng thời thường xuyên đôn đốc, kiểm tra tiến độ thực hiện công việc được giao của từng tiểu ban. Đặc biệt, công tác thông tin tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh, đài truyền hình, báo chí được đẩy mạnh nhằm quảng bá thêm hình ảnh lễ hội đến với đông đảo người dân. Ông Nguyễn Công Trường nói: “Năm nay, ngoài phần lễ được tổ chức theo nghi thức truyền thống gồm lễ bài trí, lễ rước sắc, lễ rước nước, lễ đại tế, phần hội diễn ra sôi nổi với các hoạt động như hô hát bài chòi, hát tuồng, hội thi nhà nông đua tài. Điểm nổi bật trong lễ hội lần này là chúng tôi kết hợp tổ chức nhiều môn thi đấu nằm trong đại hội thể dục - thể thao như đua thuyền nam - nữ, bóng chuyền nam - nữ, giải cờ tướng cùng các trò chơi dân gian khác như đi xe đạp chậm, nhảy bao bố, đi cà kheo, kéo co…”.
Liên hệ đặt tour Hội An tại http://opentourbana.com/tour-hang-ngay/tour-du-lich-hoi-an.html
Giữ nét đẹp truyền thống
Trong ngôi nhà nhỏ nhưng ấm cúng nằm cạnh lăng bà, cụ Thái Văn Lịch năm nay đã ngoài 80 tuổi kể rằng, ngày xưa Bà Thu Bồn là công chúa vua Mây. Khi bị giặc ngoại xâm bao vây kinh thành, nhà vua và công chúa chạy lánh nạn, bà bị ngã ngựa chết, xác trôi lập lờ trên dòng sông, dân trong làng thương xót vớt thi thể bà lên bờ chôn cất. Năm đó, dân làng Thu Bồn bị đại dịch đậu mùa, ai nấy cũng cầu mong trời đất phò hộ độ trì cho dân chúng thoát nạn và Bà Thu Bồn linh ứng cứu giúp dân lành thoát khỏi kiếp nạn. Cũng có truyền thuyết, Bà Thu Bồn là nữ tướng vua Chăm rất xinh đẹp, có mái tóc đen và dài óng mượt. Khi bị quân vua Lê đánh bại, bà phi ngựa chạy về hướng làng Thu Bồn thì mái tóc dài vướng vào chân bạch mã, bà tử nạn, xác trôi lập lờ trên dòng sông. Phát hiện xác bà, dân chúng vớt lên khâm liệm bà bằng lá cây và nhập chốn bồng lai vào giờ Ngọ, ngày 12.2 âm lịch. Năm đó, hạn hán khốc liệt, đồng khô cỏ cháy dẫn đến mất mùa nghiêm trọng nên dân làng cơ cực, đói khổ và bà linh ứng cho mưa thuận gió hòa, cây trái tốt tươi, mùa màng trĩu hạt.
Lại có chuyện kể rằng, Bà Thu Bồn là nữ tướng nhà Lê, bị giặc đuổi đánh, khi chạy đến Phường Rạnh (nay thuộc huyện Nông Sơn), bà ngã ngựa, bị quân thù đuổi kịp, giết chết, đẩy xác xuống dòng sông. Xác bà trôi theo dòng nước trong xanh được một đoạn rồi tấp vào ven bờ một ngôi làng phía hữu ngạn. Bấy giờ, cư dân của làng đưa bà lên bờ tổ chức chôn cất. Từ đó, vong linh người nữ tướng luôn hiện hữu trong đời sống của bà con nơi đây để độ trì cho dân lành luôn được tai qua nạn khỏi, cuộc sống ấm no. Từ đó, ngôi làng nhỏ bé bà yên nghỉ mang tên Thu Bồn. Về sau, bà được các vua triều Nguyễn sắc phong “Mỹ đức thục hạnh Bô Bô phu nhân thượng đẳng thần”. Cụ Thái Văn Lịch cho hay: “Dẫu có nhiều truyền thuyết về Bà Thu Bồn, song tất cả đều tôn vinh vẻ đẹp của người phụ nữ đa tài, đức độ, là người mẹ của quê hương xứ sở, biểu tượng của khát vọng đất nước thái bình. Vì vậy, để ghi nhớ công ơn của bà, hàng năm người dân trong làng và chính quyền địa phương cùng nhau tổ chức lễ hội. Có năm thì làm trầm trà, có năm thì làm với quy mô lớn cả phần lễ lẫn phần hội nhưng điều quan trọng nhất là thông qua lễ hội, người dân chúng tôi vừa nâng cao ý thức gìn giữ, quản lý, tôn tạo Di tích lịch sử văn hóa vừa là bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc”. Còn theo ông Nguyễn Công Trường, dù mỗi năm quy mô tổ chức khác nhau nhưng lễ hội Bà Thu Bồn luôn mang đậm chất dân gian, lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, ghi dấu ấn của vùng đất và con người nơi đây trong quá trình hình thành, xây dựng và phát triển, góp phần củng cố, phát huy tinh thần đoàn kết của cộng đồng dân cư…
Cùng với lễ hội Bà Thu Bồn, vùng đất Duy Xuyên còn có khá nhiều lễ hội khác hết sức đặc sắc như lễ hội nghề cá, lễ hội làng Mỹ Xuyên Đông, lễ hội Bà Chúa Tằm Tang… Tất cả lễ hội này không chỉ mang ý nghĩa về mặt tâm linh, tưởng nhớ công ơn của các bậc tiền nhân khai cơ lập địa, phò hộ người dân vượt qua bao khắc nghiệt của thiên nhiên, mà nó còn giúp địa phương quảng bá hình ảnh về mảnh đất, con người nhân hậu nơi đây, từ đó tạo động lực để phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế và xã hội ngày càng phát triển.
Liên hệ đặt phòng khách sạn giá rẻ uy tín tại Hội An http://khachsandanang.net.vn/khach-san-hoi-an.html