Du Lịch Huế - Được hình thành và tồn tại suốt hàng trăm năm qua, mỗi dịp xuân về, các làng nghề truyền thống ở Cố đô Huế lại tất bật sản xuất các loại hàng hóa cung ứng cho thị trường khu vực miền Trung để các gia đình có thêm niềm vui đón Tết cổ truyền…
Những ngày cuối năm, làng nghề mứt gừng Kim Long (phường Kim Long, TP Huế) rộn rã những tiếng nói, cười khi người dân đang tranh thủ thời gian để sản xuất những mẻ mứt gừng cay nồng mang hương vị đặc trưng xứ Huế. Bên trong căn nhà nhỏ ở đường Phạm Thị Liên, 5 người của gia đình ông Nguyễn Văn Dần đang tất bật cạo vỏ gừng, thái gừng để làm mứt.
Ông Dần cho hay, nghề làm mứt gừng ở Kim Long tồn tại hàng trăm năm qua và cứ đến tháng Chạp âm lịch là các lò trong thôn lại đỏ lửa làm ra những mẻ mứt bán vào dịp Tết. “Cứ mỗi dịp Tết đến, bếp của gia đình tôi lại đỏ lửa suốt ngày đêm, chế biến từ 5-7 tấn mứt gừng. Để có nguyên liệu làm mứt, gia đình phải đặt gần cả chục tấn gừng tươi ở Lao Bảo (Quảng Trị) sau đó thuê xe tải vận chuyển vào. Nghề làm mứt gừng cũng lắm công phu, vất vả nhưng đây là nghề truyền thống do tổ tiên để lại nên vợ chồng tui vẫn quyết tâm giữ lấy nghề”, ông Dần giới thiệu về nghề làm mứt của gia đình.
Tranh làng Sình phục vụ dịp Tết cổ truyền.
Cũng như nhiều lò mứt khác ở Kim Long, cơ sở làm mứt gừng của bà Nguyễn Thị Lành thuê khoảng 10 nhân công thời vụ để thực hiện các công đoạn chế biến mứt gừng bỏ cho các mối ở chợ Đông Ba và siêu thị trên địa bàn TP Huế. Theo bà Lành, do năm nay giá gừng tươi nguyên liệu mua vào rẻ, khoảng 17.000 đồng/kg nên các hộ làm mứt rất phấn khởi; bởi mứt gừng thành phẩm được bán với giá từ 50-70.000 đồng/kg tùy loại, trừ công cán sẽ có lợi nhuận cao hơn các năm trước…
Ông Mai Công Khánh, Phó Chủ tịch UBND phường Kim Long cho biết, hiện trên địa bàn phường có gần 20 hộ dân vẫn giữ nghề làm mứt gừng truyền thống để phục vụ dịp Tết. “Tuy nghề làm mứt gừng chỉ làm bằng phương pháp thủ công nhưng đã đem lại thương hiệu nổi tiếng cho mứt gừng Kim Long, do mứt người dân địa phương làm ra rất được thị trường ưa chuộng!”, ông Khánh khẳng định.
Nằm cách TP Huế gần 20km, những ngày này người dân làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) cũng đang tất bật với nghề vẽ tranh để cung ứng cho thị trường dịp Tết cổ truyền. Ông Nguyễn Lương, một trong những người gắn bó với tranh làng Sình gần 30 năm qua cho hay, tranh Sình là tranh dùng để phục vụ tín ngưỡng được in trên giấy mộc quét điệp với 50 đề tài khác nhau... Ông Trần Hiếu Cơ, Chủ tịch UBND xã Phú Mậu cho biết thêm, sau gần 500 năm tồn tại, tranh làng Sình từ mai một nay đã dần phục hồi trở lại khi có gần 100 hộ dân ở làng Sinh đã làm nghề tranh để phục vụ dịp Tết cổ truyền và các lễ hội như Festival...